Giá Cà Phê Online

“Người Việt chưa được uống ly cà phê đúng nghĩa”

“Người Việt chưa được uống ly cà phê đúng nghĩa” 




Câu nói đầy chua chát này được đại diện một doanh nghiệp sản xuất cà phê đưa ra tại buổi tọa đàm “Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức ngày 20-7.
Quang cảnh buổi tọa đàm "Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp" tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 20-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiều cơ quan chuyên môn gồm Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê nổi tiếng trong nước.  

Nguyên chất pha...đậu nành, bắp

Mở đầu buổi tọa đàm, thượng úy Đinh Văn Mạnh - phó đội trưởng đội 7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B, Bộ Công An) - cho biết từ năm 2012 đến nay, C49B mở nhiều cuộc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất cà phê và đã ra quyết định xử lý khoảng 20 doanh nghiệp, xử phạt hàng tỉ đồng về hành vi sản xuất cà phê không đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình đấu tranh, phòng ngừa, C49B xác định các cơ sở này chủ yếu vi phạm pha trộn các loại ngũ cốc như đậu nành, bắp vào cà phê để giảm giá thành, tăng lợi nhuận nhưng trên bao bì các doanh nghiệp này lại không ghi các thành phần nêu trên.
Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất cà phê bằng 100% đậu nành nhưng lại ghi trên nhãn mác “cà phê nguyên chất”, “cà phê Tây nguyên”.
Các cơ sở này thường đóng tại những nơi vắng vẻ, đầu tư nhà xưởng nhỏ lẻ, làm thủ công bằng cuốc xẻng… không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, các cơ sở này thường sử dụng hóa chất, hương liệu không được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc gây nguy hiểm.
Ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm "Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp" tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 20-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Quá trình kiểm tra chúng tôi phát hiện một số trường hợp sử dụng hóa chất như đường hóa học, các loại thuốc, chất bảo quản quá liều lượng cho phép, đa số được mua từ chợ Kim Biên, không có hóa đơn chứng từ”, thượng úy Mạnh nói.
Ông Nguyễn Hùng Long - cục phó Cục Vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết ông nhiều lần làm trưởng đoàn đi thanh tra việc kinh doanh sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây nguyên nên thấy tình trạng cà phê độn các loại đậu nành, bắp khá phổ biến.
“Đặc biệt, có nhiều loại cà phê độn sản xuất tại Kon Tum nhưng lại ghi ngoài nhãn mác là ở TP.HCM, không công bố thành phần cụ thể. Tôi hỏi tại sao thì người ta trả lời công bố thành phần sẽ không bán được”, ông Long nói.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) khẳng định việc sử dụng hóa chất, các loại phụ gia trái phép để pha chế cà phê thực chất là hành vi sản xuất cà phê giả, kém chất lượng. Đây là hành vi kinh doanh bất chấp quyền lợi người tiêu dùng nhằm mục đích giảm giá thành nhiều nhất và thu được lợi nhuận cao nhất.
Theo vị này, việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng hóa chất đều đã có những văn bản quy định đầy đủ, chi tiết.
“Vấn đề không phải thiếu các chế tài mà là ý thức của người sử dụng. Đối với các loại phụ gia thực phẩm nếu sử dụng quá liều lượng, sai thời điểm sẽ gây độc hại. Đây là hành vi nguy hiểm cần được xử lý nghiêm”, vị này nhấn mạnh.

Cà phê cần minh bạch

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội - đưa ra nhiều dẫn chứng về việc cà phê trộn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đã xảy ra ở nhiều nước. Ông khẳng định cần phải minh bạch trong việc ghi các thành phần trên sản phẩm.
"Đừng kinh doanh kiểu treo đầu dê bán thịt chó, trộn thì nói trộn chứ không được gian lận thương mại như thế”, ông Thịnh nói.
Tham dự buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê cho rằng tùy thuộc vào “gu” của người sử dụng mà cho ra đời những dòng cà phê khác nhau. Và thực tế cà phê trộn là có để đáp ứng nhu cầu khách hàng, tuy nhiên các sản phẩm này đều phải minh bạch để cơ quan quản lý kiểm tra và người tiêu dùng được biết.
Tuy nhiên, việc sản xuất bát nháo như hiện nay khiến người tiêu dùng “hoa mắt” không biết đâu là cà phê sạch, đâu là cà phê không đảm bảo chất lượng.
“Việt Nam là nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nhưng người Việt chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa cà phê. Thực tế rối ren, không minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, phân phối đang diễn ra và đòi hỏi chúng ta phải sản xuất ra ly cà phê không những ngon mà phải sạch, đúng chất cà phê Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Ông Phạm Tiến Dũng - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT - phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước thực trạng trên, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) đã kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê, nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra để hạn chế tối đa, ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê.
Đồng thời Vinastas đề xuất các hộ sản xuất cà phê, các công ty chế biến và kinh doanh cà phê, đặc biệt các công ty hàng đầu ở VN như Vinacafe, Trung Nguyên, Nescafe, G7, Phúc Long... các công ty nước ngoài... gia nhập thành viên của CLB “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng” để cung cấp những sản phẩm cà phê tin cậy vì người tiêu dùng.
Vinastas cũng kêu gọi các hội bảo vệ người tiêu dùng cũng như quyền lợi người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc hợp tác thực hiện và lan tỏa chương trình “Hàng hóa, dịch vụ tin cậy vì người tiêu dùng", vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh minh bạch trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cà phê.
Trong thời điểm chất lượng cà phê lẫn lộn như hiện nay, việc các nhà sản xuất cà phê có uy tín, chất lượng minh bạch thông tin sản phẩm sẽ phần nào giúp lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.


NHƯ BÌNH - HOÀNG LỘC - LÊ SƠN
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160720/nguoi-viet-chua-duoc-uong-ly-ca-phe-dung-nghia/1140166.html

Thông kê truy cập

Quảng cáo

Viet Trade