Giá Cà Phê Online

Mạnh tay dẹp cà-phê “bẩn”

Mạnh tay dẹp cà-phê “bẩn”



Cùng với các loại thực phẩm không an toàn, cà-phê “bẩn” đang hằng ngày góp phần làm hại sức khỏe người tiêu dùng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý mạnh tay với những cơ sở kinh doanh loại thức uống độc hại này.

cà phê hóa chất
cà phê hóa chất


Thật bất ngờ khi kết quả kiểm tra chất lượng cà-phê chế biến do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Đác Nông mới đây cho thấy, chỉ một trong số 15 mẫu cà-phê chế biến lấy ngẫu nhiên trên thị trường có hàm lượng caffeine đạt chuẩn. Đáng ngạc nhiên là ba trong 14 mẫu còn lại không phát hiện hàm lượng caffeine. Điều này có nghĩa là những sản phẩm được gọi là cà-phê thực chất không phải là cà-phê.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15-7 vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành bất ngờ kiểm tra, phát hiện tại một số cơ sở chế biến cà-phê ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đang rang xay, pha trộn đậu nành, bắp cùng các loại hóa chất, hương liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thành cà-phê bột, tiêu thụ trên thị trường thành phố. Điều đáng lo ngại là sau nhiều lần phát hiện, xử lý những cơ sở chế biến, kinh doanh cà-phê “bẩn”, độc hại, gây ảnh hưởng xấu sức khỏe người tiêu dùng, tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh cà-phê “bẩn” vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Uống cà-phê hằng ngày là thói quen khó bỏ của người dân thành phố. Trên địa bàn thành phố, quán cà-phê có mặt khắp nơi, từ những đường phố lớn đến các con hẻm nhỏ, trong các khu dân cư; từ nội thành đến các xã nông thôn ngoại thành, bất cứ nơi nào, khi có nhu cầu, người tiêu dùng đều có thể tìm thấy quán cà-phê để thưởng thức. Không ít quán sang trọng, chỗ ngồi đẹp và cũng rất nhiều quán cóc, bàn ghế nhỏ gọn, lấy vỉa hè, góc phố làm nơi kinh doanh. 

Đối tượng phục vụ của những quán này chủ yếu là khách “bình dân” hoặc người qua đường, khách vãng lai. Những năm gần đây, thành phố lại xuất hiện thêm loại hình cà-phê mang đi, nhắm vào các đối tượng là công chức, viên chức, người bận rộn làm ăn buôn bán không có thời gian ngồi “lai rai”... Với đặc điểm thích thưởng thức cà-phê tại quán, phần lớn số người uống đều chấp nhận uống thứ nước giải khát không rõ nguồn gốc, không phải do chính tay mình pha chế. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để cà-phê “bẩn”, không an toàn, thậm chí độc hại đi thẳng tới bao tử người tiêu dùng.

Cũng như các loại thực phẩm không an toàn, cà-phê bẩn không gây ngộ độc tức thì cho người sử dụng mà âm thầm tích tụ, chờ cơ hội tiến công sức khỏe người sử dụng. Có lẽ vì lý do này, nhiều người vẫn chưa nhận biết đầy đủ về tác hại lâu dài của cà-phê “bẩn”.

Người tiêu dùng kiến nghị, mong muốn hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn cà-phê “bẩn” ra khỏi đời sống xã hội, các cơ quan chức năng cần quy định tiêu chuẩn chất lượng cho loại sản phẩm này. Bắt buộc các cơ sở sản xuất, rang xay, chế biến phải công bố công khai trên bao bì thành phần, hàm lượng caffeine; các loại phụ gia, hương liệu... Thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm, đồng thời công khai tên, địa chỉ, nhãn hàng của những cơ sở sản xuất không đúng theo tiêu chuẩn chất lượng, pha lẫn tạp chất, sử dụng hóa chất, hương liệu độc hại, điều kiện sản xuất không bảo đảm vệ sinh..., để người tiêu dùng nhận diện. 

Cùng với đó là việc quản lý chặt hơn nữa việc kinh doanh các loại hóa chất, hương liệu, cần phân định trách nhiệm quản lý cho chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cấp phường, xã nếu để các cơ sở sản xuất, chế biến cà-phê “bẩn” hoạt động trên địa bàn mình. Để tự bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của mình, người tiêu dùng cần có thái độ dứt khoát tẩy chay những quán kinh doanh cà-phê “bẩn”, thay vào đó là uống cà-phê ở những quán rang, xay tại chỗ, dễ thấy, dễ kiểm tra.

Loại bỏ được cà-phê “bẩn” sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân thành phố.



ĐĂNG HƯNG
http://www.nhandan.com.vn/tphcm/dan-biet-dan-ban/item/30231302-manh-tay-dep-ca-phe-%E2%80%9Cban%E2%80%9D.html

Thông kê truy cập

Quảng cáo

Viet Trade