Giá Cà Phê Online

Cần minh bạch các thành phần có trong cà phê

Cần minh bạch các thành phần có trong cà phê




Đây là nội dung được các đại biểu đề cập nhiều nhất tại buổi Tọa đàm “Cà phê bẩn: Thực trạng và giải pháp” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức ngày 20-7 tại TPHCM.


Cà phê bẩn: Thực trạng và giải pháp
Cà phê bẩn: Thực trạng và giải pháp
Quang cảnh buổi tọa đàm “Cà phê bẩn: Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: Quang Khoa

Tại buổi tọa đàm, ông Đinh Văn Mạnh, Đội phó đội 3, Phòng 7, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, hiện nay có 3 hành vi vi phạm trong kinh doanh cà phê, là pha trộn các loại ngũ cốc vào trong cà phê để giảm giá thành. Có cơ sở dùng 100% là đậu nành nhưng lại ghi trên bao bì là cà phê nguyên chất. Đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng.

Hành vi thứ 2 là sử dụng hương liệu, hóa chất, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hành vi vi phạm thứ 3, các cơ sở này thường ở những nơi hẻm hóc, đầu tư máy móc tạm bợ thủ công nên rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Về chế tài xử phạt, có đại biểu cho rằng còn quá nhẹ. Thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ vi phạm sản xuất, chế biến, buôn bán cà phê, tuy nhiên hình thức xử phạt lại căn cứ vào lô hàng nên khi xử phạt đối với nơi sản xuất thì nặng còn đối với nơi buôn bán thì không bao nhiêu.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của hương liệu không rõ nguồn gốc là do hương liệu được nhập khẩu từ nước ngoài với số lượng lớn có nhãn mác, nhưng sau đó sang chiết nhỏ để bán lẻ nên không còn nhãn mác nữa. Do vậy nên để cho đơn vị nhập khẩu được quyền sang chiết, gắn nhãn mác, để các cơ quan chức năng khi đi kiểm tra có thể truy xuất được nguồn gốc.

“Hiện nay ở TPHCM chủ yếu sử dụng cà phê nhưng lại không để thành phần tỉ lệ, đây là vấn đề gian lận. Nguyên nhân là do người bán và người mua sử dụng cà phê bột. Khi người tiêu dùng trở nên thông thái hơn, họ sẽ mua cà phê hạt đã rang sẵn và tự xay, như vậy sẽ không còn tình trạng gian lận nữa”. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận xét.

cà phê sạch

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Khoa


Khi được hỏi hiện các thương hiệu cà phê lớn ở trong nước có pha trộn cà phê để bán ra thị trường hay không? Ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Nhà máy cà phê Nestle cho biết, hiện công ty có 3 dòng sản phẩm chính là cà phê hỗn hợp hòa tan, cà phê hòa tan uống liền hỗn hợp (có pha trộn) và cà phê nguyên chất hòa tan (không pha trộn). Ông cũng mong muốn các doanh nghiệp cần minh bạch các thành phần có trong sản phẩm để người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm đúng sở thích và biết được các thành phần có trong sản phẩm.

"Việt Nam là đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới nhưng người dân lại không có được một ly cà phê đúng nghĩa, đây là điều rất đáng buồn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cho ra đời cà phê nguyên chất và minh bạch các thành phần, tỉ lệ có trong sản phẩm", ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacafé.

Một số đại biểu dự buổi tọa đàm cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là cà phê có trộn hay không, mà quan trọng là thành phần nguyên liệu trộn đó có đảm bảo chất lượng, hương liệu có sử dụng đúng mức, có nằm trong danh mục cho phép và có đảm bảo vệ sinh ATTP trong khâu chế biến.

Từ thực trạng cà phê gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng và cà phê không minh bạch thành phần tỉ lệ, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ Trưởng vụ pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra giải pháp đối với thực trạng này. Theo ông Quang, các cơ quan chức năng thuộc 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cần rà soát lại các quy định còn nhẹ, còn thiếu sót, để đưa ra các điều luật có đủ sức răn đe. Sớm hoàn thiện các nội dung quy chuẩn đối với cà phê Việt Nam. Cần phải có các chương trình nghiên cứu về tác hại của cà phê rang cháy đen, cà phê sử dụng hương liệu ngoài mức cho phép, cà phê tra trộn nguyên liệu không an toàn… gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Truyền thông đến người bán hàng và người dân hiểu được tác hại của cà phê “bẩn”.

Tại buổi tọa đàm, Vinastas kêu gọi các Hội bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc cùng hợp tác thực hiện và lan tỏa chương trình “Hàng hóa, dịch vụ tin cậy vì người tiêu dùng", vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh minh bạch trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cà phê.

Vinastas cũng đề xuất các hộ sản xuất cà phê, các công ty chế biến và kinh doanh cà phê, đặc biệt các công ty, thương hiệu cà phê hàng đầu ở Việt Nam như Vinacafe, Trung Nguyên, Nescafe, G7, Phúc Long... các công ty cà phê nước ngoài gia nhập thành viên của CLB “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng” để cung cấp những sản phẩm cà phê tin cậy vì người tiêu dùng.




QUANG KHOA
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2016/7/427816/

Thông kê truy cập

Quảng cáo

Viet Trade