Giá Cà Phê Online

Giá hàng hóa lao dốc: lỗi không phải ở TQ

Giá hàng hóa lao dốc: lỗi không phải ở TQ




Đà lao dốc của giá cả hàng hóa trong thời gian qua từ dầu thô cho đến các kim loại như đồng, sắt và cả các mặt hàng nông nghiệp như đường, cao su không phải hoàn toàn do sức tiêu thụ yếu ở Trung Quốc (TQ).


Đó là nhận định được đưa ra trong bài viết nhan đề “Cú sụp đổ giá cả hàng hóa không hoàn toàn do lỗi của TQ” đăng trên trang Today Online của cố vấn kinh tế Abdul Abiad ở Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhà kinh tế trưởng Shang-Jin Wei ở ADB.
Theo hai chuyên gia, không có điều gì bàn cãi về việc đà tăng trưởng giảm tốc của TQ đã lan tỏa những tác động tiêu cực ra rộng khắp nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với cú sụp đổ của giá cả hàng hóa xuất hiện từ năm 2014, đã và đang tàn phá nhiều nước xuất khẩu thương phẩm, là nhỏ hơn nhiều so với cách nhìn nhận phổ biến hiện nay.
Thực tế, đà suy giảm tăng trưởng của TQ chỉ là một phần trong câu chuyện giá cả hàng hóa.
Bài viết nhận định chắc chắn có mối tương quan rõ ràng giữa tăng trưởng GDP của TQ với giá cả hàng hóa. Vào đầu thập niên 2000, khi tăng trưởng của TQ tăng tốc, giá hàng hóa tăng vọt. Khi nền kinh tế TQ bắt đầu chững lại vào năm 2011, giá dầu đã quay đầu giảm 70%, giá kim loại giảm 50% và giá cả các mặt hàng nông nghiệp cũng giảm 35%.
Tuy nhiên, quan điểm cho rằng tình trạng giảm tốc của kinh tế TQ là “thủ phạm chính” gây ra cú sụp đổ của giá cả hàng hóa là một cách nhìn phiến diện.
Một nghiên cứu mới đây của ADB cho thấy dù đóng vai trò quan trọng trong các thị trường hàng hóa, TQ chủ yếu tiêu thụ mạnh kim loại, than và thịt heo với khoảng 50% thị phần tiêu thụ toàn cầu nhưng lại không đóng vai trò thống lĩnh thị trường hàng hóa nói chung như nhiều người vẫn nghĩ bấy lâu nay.
TQ tiêu thụ chưa đến 20% sản lượng đường, bột mì và thịt bò của thế giới. TQ cũng chỉ lần lượt chiếm 12% và 5% tổng tiêu thụ dầu thô và khí tự nhiên trên toàn cầu.
Thực tế, một số hàng hóa giảm giá mạnh nhất, đáng chú ý là dầu thô (giảm 73% từ mức đỉnh của năm 2014), khí tự nhiên (giảm 55%) nhưng đây là những hàng hóa mà TQ chỉ đóng vai trò một “đấu thủ nhỏ” trên thị trường toàn cầu.
Một ví dụ khác là giá đồng: từ năm 2001-2006, giá đồng biến động mạnh, có khi giảm 30% trong một số năm và có khi tăng 150% trong các năm khác. Trong thời gian đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và nhu cầu đồng ở TQ tăng khá ổn định ở các mức tương ứng 15% và 20%. Rõ ràng, các nhân tố khác từ nguồn cung, nhu cầu toàn cầu cho đến nhu cầu tích trữ và mức biến động hàng tồn kho cũng đóng vai trò lớn trong việc tác động đến giá cả trên các thị trường hàng hóa.
Dù tăng trưởng của TQ đã chậm lại từ năm 2011, tăng trưởng tiêu thụ hàng hóa của nước này vẫn vượt xa phần còn lại của thế giới. Do đó, thị phần của TQ trong tổng tiêu thụ hàng hóa toàn cầu vẫn gia tăng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét đến tăng trưởng GDP của TQ, dù giảm so với mức hai con số vào thời kỳ rực rỡ, vẫn ở mức trên 6%. Việc dịch chuyển mô hình tăng trưởng theo hướng đặt trọng tâm vào tiêu thụ thay vì đầu tư như trước đây sẽ làm suy yếu tăng trưởng nhu cầu của TQ đối với kim loại và năng lượng nhưng nhu cầu của TQ đối với dịch vụ và thực phẩm vẫn tăng và điều này sẽ tác động tích cực đối với hàng hóa nông nghiệp.
Từ đó, hai chuyên gia Abdul Abiad và Shang-Jin Wei đi đến kết luận: bức tranh kinh tế thay đổi của TQ không gieo rắc tai họa cho các nước xuất khẩu thương phẩm. Trái lại, dù tăng trưởng kinh tế của TQ trì trệ thêm nữa, tác động của việc này đối với giá cả hàng hóa vẫn sẽ hạn chế.
Các triển vọng giá cả hàng hóa sẽ được củng cố hơn khi nhu cầu ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia tăng tốc trong những năm tới. Nếu tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á tiếp tục vững chắc trong 15 năm tới, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng ít nhất tương đương như mức tăng trưởng trong những năm nền kinh tế TQ bùng nổ.
Tình trạng đình trệ của giá cả hàng hóa do tăng trưởng của TQ chậm là một sự thật, song không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho TQ trong câu chuyện giá cả hàng hóa giảm mạnh trên quy mô rộng.
Hai chuyên gia Abdul Abiad và Shang-Jin Wei nhận định điều quan trọng hơn hiện nay là TQ vẫn đang nhập khẩu khối lượng hàng hóa lớn và phần châu Á đang phát triển cũng sắp sửa tạo ra đợt sóng mới của nhu cầu hàng hóa và do vậy, triển vọng giá hàng hóa phục hồi đang tương sáng hơn.



theo TBKTSG Online

Thông kê truy cập

Quảng cáo

Viet Trade